Bất kể dù là những người chơi âm thanh mới bắt đầu tìm hiểu hay đã chơi chuyên nghiệp, bạn luôn cần học hết các thuật ngữ chuyên môn và cập nhất chúng liên tục để có thể đánh giá âm thanh. Có thực tế là khá nhiều người chơi lâu năm phải tham khảo các tài liệu review sản phẩm của nước ngoài để đặt mua và đây có thể coi là nơi bắt đầu chuẩn mực của những thuật ngữ trước khi mọi người có thể đi tìm những từ tương đồng. Hãy cùng Nguyễn Audio tìm hiểu một số thuật ngữ âm thanh trong bài viết sau nhé.
Cần nắm rõ để hiểu đúng thuật ngữ âm thanh
Để đánh giá âm thanh trước hết cần học các thuật ngữ, tiếng lóng của người chơi như “ù hum”, tiếng “sáng”, tiếng “tối”… Những tiếng lóng này có thể làm người mới bắt đầu chơi âm thanh cảm thấy bối rối khi nghe các audiophile lâu năm bình phẩm. Nếu không tìm hiểu kỹ ý nghĩa của chúng mà chỉ nói bắt chước theo, có thể bạn sẽ hiểu theo hàm ý khác của từ ngữ đó khi sử dụng để xem các tài liệu chuyên môn, khi giao tiếp hoặc là xem các review về sản phẩm. Tất nhiên, việc chọn một sản phẩm âm thanh không thể phụ thuộc hoàn toàn vào những bài đánh giá, vì âm thanh cần được trải nghiệm bằng tai chứ không phải bằng mắt. Nhưng tất nhiên, hiểu rõ thuật ngữ để tham khảo tài liệu và các bài review vẫn là cần thiết.
Loa DonBN DV12
Mô tả âm thanh không đơn giản nhưng có ngôn ngữ chung
Một từ ngữ có đôi khi lại mang nhiều hàm ý khác nhau. Câu chuyện nhiều người vẫn truyền tai nhau trong giới âm thanh rằng, một chuyên gia test loa cho hay ông từng nhận một yêu cầu của khán giả mong muốn có âm thanh “rich” (nghĩa gốc là giàu có, phong phú) giống như ban nhạc sống mà anh ta từng nghe. Liệu anh ta có dùng “rich” như một lời khen? Trong khi đó, những người review đôi khi dùng từ này để chỉ chất lượng tồi của một bộ loa.
Chuyên gia này đã tìm hiểu chính xác ý của vị khán giả. Hóa ra, anh ta hàm ý đó là âm thanh rất tròn đầy với nhiều tiếng bass sâu. Ông chỉ ra rằng dù một cuộc trình diễn hay một bản ghi có những đặc điểm đó, loa tốt cũng có thể tái tạo chúng gần như vậy nhưng không nên dùng từ “rich” bởi nó có thể trở thành hàm ý làm cho tiếng bass thêm màu sắc, tốt với loại nhạc này nhưng không tốt khi nghe nhạc khác. Trên thực tế, các từ như “rich”, “ripe” hay “chesty” được dùng để chỉ những bộ loa nhấn mạnh quá nhiều vào tiếng bass cao, làm cho giọng nam trầm trở nên thiếu tự nhiên.
Và để giải quyết vấn đề bất cập này, giới audiophile cần đến một tiếng nói chung bằng một bảng thuật ngữ tiêu chuẩn chung nhằm thống nhất, tuy có thể chưa đầy đủ nhưng cần thiết như sau:
Airy: Rộng lớn. Các nhạc cụ nghe như chúng được bao quanh bởi một bầu không gian rộng lớn. Tái tạo tốt các tần số cao. Đáp ứng tần số cao mở rộng đến 15 – 20 kHz.
Bassy: Thiên bass. Các tần số thấp dưới 200 Hz bị nhấn mạnh.
Blanketed: Bí. Âm cao yếu, nghe như có một cái chăn trùm qua loa, không cho tiếng thoát ra.
Bloated: Vang. Tiếng bass trung thừa, khoảng 250 Hz. Tần số thấp không gãy gọn, có hiện tượng cộng hưởng, nghe như bạn đang hát trong chum.
Blurred: Nhòe. Đáp ứng nhanh rất kém, ảnh stereo bị mờ, không tập trung, âm thanh không nghe ra chi tiết.
Boomy: Dư bass khoảng 125 Hz. Không gãy gọn, có hiện tượng cộng hưởng.
Boxy: Bí. Có hiện tượng cộng hưởng như thể âm nhạc bị tù túng trong một cái hộp.
Breathy: Hơi thở có thể nghe rõ khi nghe với sáo và saxophone. Đáp ứng tốt ở tần số cao và trung cao.
Bright: Sáng. Nhấn mạnh vào tần số cao.
Chesty: Nghe như người hát có lồng ngực quá lớn. Có hiện tượng vọt lên ở đáp ứng tần số thấp, từ 125 – 250 Hz.
Clear: Tiếng trong, rõ nét.
Colored: Màu sắc. Không giống thực, thiếu tự nhiên. Đáp ứng tần số không phẳng, có nhiều đỉnh và hố.
Crisp: Đáp ứng tần số cao được mở rộng.
Dark: Tối. Đối lập với Clear. Tần số cao yếu.
Depth: Cảm giác về khoảng cách (gần đến xa) của các nhạc cụ khác nhau.
Detailed: Chi tiết. Dễ nghe các chi tiết nhỏ trong bài nhạc. Đáp ứng tần số cao đầy đủ, đáp ứng nhanh rất gãy gọn, sắc sảo.
Dull: Giống Dark.
Edgy: Quá nhiều tần số cao. Bị méo.
Fat: Xem Full và Warm. Hơi trễ và méo.
Full: Đáp ứng tần số thấp tốt. Giọng nam tròn đầy quanh 125 Hz. Đối nghĩa với Thin.
Gentle: Đối nghĩa với Edgy. Các tần số cao và trung cao có thể bị yếu.
Grainy: Vụn. Âm nhạc nghe như bị chia tách thành nhiều phần nhỏ chứ không “chảy” êm như một dòng liên tục.
Hard: Quá nhiều mid cao, thường khoảng 3 kHz.
Harsh: Quá nhiều mid cao. Đỉnh trong đáp ứng tần số từ 2-6 kHz.
Muddy: Đục. Âm thanh không trong sáng, bị méo.
Muffled: Âm thanh cũng nghe như bị trùm chăn. Tần số cao và mid cao bị yếu.
Rich: Xem Full. Có hiện tượng méo.
Smooth: Dễ nghe.
Sweet: Ngọt ngào, không bị gắt, chói. Đáp ứng tần số không có đỉnh. Méo ít.
Thin: Mỏng.
Tight: Chi tiết, chắc chắn, đáp ứng tần số thấp tốt.
Transparent: Trong.Dễ nghe, chi tiết, rõ nét, rất ít méo và nhiễu.
Warm: Bass tốt, không bị mỏng.
Weighty: Đáp ứng tần số thấp tốt dưới 50 Hz.